CẬP NHẬT QUY ĐỊNH MỚI (Từ ngày 01/08/2021)

CẬP NHẬT QUY ĐỊNH MỚI (Từ ngày 01/08/2021)

  1. Từ ngày 01/08/2021, các quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với cá nhân và hộ kinh doanh sẽ được áp dụng theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

- Sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện khai, nộp thuế thay cho người bán theo lộ trình của cơ quan thuế. Trong thời gian chưa thực hiện việc này, thì sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của người bán cho cơ quan thuế, trong đó có thông tin về doanh thu, tài khoản ngân hàng.

- Cho phép cá nhân, hộ gia đình quy mô lớn nộp thuế theo phương pháp kê khai. Khi đó, cá nhân và hộ kinh doanh phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ, nhưng không phải quyết toán thuế.

- Bổ sung thêm một số khoản doanh thu tính thuế, gồm: Các khoản như thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán phải chịu TNCN 0,5% và thuế GTGT 1%.

- Dịch vụ quảng cáo trên sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số chịu thuế TNCN 2% và thuế GTGT 5%

2. Điều kiện để các giao dịch liên kết được đề nghị áp dụng APA

- Thông tư 45/2021/TT-BTC hướng dẫn áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hiệu lực từ ngày 03/8/2021. Theo đó, giao dịch được đề nghị áp dụng APA là các giao dịch liên kết được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP và phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:

-Thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA;

- Có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định 132/2020, dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định tại điểm b khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019;

- Không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế;

- Được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.

3. Về chấn chỉnh, kiểm tra, rà soát, có biện pháp phòng ngừa xử lý đối với người nộp thuế có rủi ro về hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp:

- Ngày 28/7/2021, Tổng cục Thuế phát hành công văn số 282838/TCT-KTNB gởi đến các cục thuế nêu ra các biện pháp kiểm tra rủi ro về việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và rủi ro về thuế như sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn NNT thực hiện đúng quy định của pháp luật trong chấp hành Luật Quản lý thuế, chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Tăng cường kiểm tra thông tin giao dịch đáng ngờ từ cơ quan giám sát Ngân hàng và các cơ quan  nhà nước khác

- Kiểm tra những công ty có dấu hiệu rủi ro: DN có phát hành hóa đơn số lượng lớn nhưng tạm ngưng kinh doanh hoặc những DN đã có thông báo bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng xin hoạt động trở lại, có doanh thu biến động lớn, sử dụng nhiều hóa đơn nhưng không phát sinh số thuế phải nộp hoặc số thuế phải nộp không tương xứng với doanh thu; những DN báo cáo sử dụng hóa đơn có số lượng hóa đơn sử dụng bằng không (0) hoặc lượng hóa đơn sử dụng lớn bất thường

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để hạn chế phát hiện những doanh nghiệp có rủi ro về thuế

4. Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH về Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 01 tháng 09 năm 2021

- Trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH mà người vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng BHXH đủ 06 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 02 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

- Khi tính thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật BHXH đối với trường hợp NLĐ đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động thì:

+ Thời gian trùng với thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương không được tính hưởng chế độ;

 + Thời gian nghỉ việc ngoài thời gian nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được tính hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, khoản 2 Điều 34 và Điều 37 Luật BHXH.

- Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc kể từ ngày hết thời hạn được hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày.

- Các khoản thu nhập không tính đóng BHXH bắt buộc: Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như:

         + Thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động;

         + Tiền thưởng sáng kiến;

         + Tiền ăn giữa ca;

         +  Các khoản hỗ trợ như:  Xăng xe; Điện thoại; Đi lại; Tiền nhà ở; Tiền giữ trẻ; Nuôi con nhỏ;

         + Hỗ trợ khi NLĐ: Có thân nhân bị chết; Có người thân kết hôn; Sinh nhật của NLĐ;

         + Trợ cấp cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn khi gặp TNLĐ, BNN;

       + Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo quy định tại tiết c 2 điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBX

5. Công văn số 3634/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan gởi cho Các chi cục hải quan về việc  kê khai  hải quan đối với doanh nghiệp nội địa thuê doanh nghiệp chế xuất gia công:

- DNCX không phải làm tục hải quan khi nhận hàng hóa từ nội địa để gia công và trả lại sản phẩm gia công vào nội địa

- Trường hợp doanh nghiệp nội địa nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu sau đó giao hàng hóa nhập khẩu, bán thành phẩm được sản xuất từ toàn bộ hàng hóa nhập khẩu để thuê DNCX sản xuất, gia công thì doanh nghiệp nội địa phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu theo quy định đối với sản phẩm gia công khi nhập khẩu vào thị trường trong nước

- Trị giá tính thuế nhập khẩu là tiền thuê gia công, trị giá của nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình gia công do DNCX cung cấp và các khoản điều chỉnh (nếu có) theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC. Không tính vào trị giá tính thuế trị giá của vật tư, nguyên liệu mà doanh nghiệp nội địa đưa đi gia công tại DNCX.

6. Giảm phí ngân hàng

Ngày 30/07/2021, Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành công văn số 5517/NHNN-TT gởi đến các ngân hàng thương mại yêu cầu giảm phí ngân hàng từ ngày 01/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ngân hàng thương mại gởi chính sách giảm phí về Ngân hàng nhà nước trước ngày 15/08/2021.

7. Điều kiện để người nhập cảnh chỉ phải cách ly tập trung 07 ngày

Ngày 04/8/2021, Bộ Y tế có Công văn 6288/BYT-MT về giảm thời gian cách ly y tế tập trung đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19

Theo đó, thực hiện cách ly y tế tập trung 07 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 07 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

- Đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy chứng nhận tiêm chủng;

- Hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 (có giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính với SAR-COV-2 bằng phương pháp RT-PCR mẫu đơn không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh) và có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp.
(Điều kiện trên không áp dụng đối với trường hợp người nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh cách ly theo quy định khác của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế).

8. Hỗ trợ người lao động do dịch bệnh Covid - 19 theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg:

- Giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của BHXH tứ 0.5% thành 0% từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022. Công ty dùng số tiền giảm này để hỗ trợ cho người lao động

- Công ty có thể tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng tính từ tháng người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị nếu  công ty có giảm 15% số lượng lao động  do dịch bệnh và sẽ đóng bù  khi hết thời gian tạm dừng

- Hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề để nâng cao nghề nghiệp cho người lao động:

           + Điều kiện: có doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, có thay đổi cơ cấu, công nghệ, có phương án đào tạo cho người lao động và người lao động phải đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp 12 tháng

+ Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người lao động/tháng.

+ Thời gian hỗ trợ: 6 tháng

- Hỗ trợ do tạm dừng hoạt động để chống dịch: 

+ Điều kiện: người lao động nghỉ không lương hay tạm dừng hợp đồng lao động 15 ngày liên tục từ 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021

+ Mức hỗ trợ:

  * 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng (30 ngày).

            * 3.710.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 01 tháng (30 ngày) trở lên

             * Mang thai và chăm sóc con nhỏ dưới 6 tuổi được thêm 1.000.0000

+ Phương thức hỗ trợ: Chi trả 1 lần

- Hỗ trợ người lao động ngừng việc 

+ Điều kiện: Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật lao động và thuộc đối tượng phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021

+ Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người đồng/người và người mang thai và chăm sóc con nhỏ dưới 6 tuổi được thêm 1.000.0000

+ Phương thức hỗ trợ: Chi trả 1 lần

- Hỗ trợ người lao đồng chấm dứt hợp đồng lao động và không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp:

+ Mức hỗ trợ:3.710.000 đồng/người và người mang thai và chăm sóc con nhỏ dưới 6 tuổi được thêm 1.000.0000

+ Phương thức hỗ trợ: Chi trả 1 lần

- Hỗ trợ cho Trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) và người điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) hoặc cách ly y tế để phòng, chống COVID- 19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền:

           + Mức hỗ trợ: Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người điều trị nhiễm COVID-19 (F0), từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày

           + Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, từ ngày 27 tháng 4 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày

            + Đối với trẻ em thì được hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/trẻ em

- Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật:

+ Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người

+ Phương thức hỗ trợ: Chi trả 1 lần

- Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch:

+ Mức hỗ trợ: 3.710.000 đồng/người

+ Phương thức hỗ trợ: Chi trả 1 lần

- Hỗ trợ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19

+ Mức hỗ trợ: 3.000.000 đồng/người

+ Phương thức hỗ trợ: Chi trả 1 lần

- Hỗ trợ công ty vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động:

           + Điều kiện: Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.

Vay vốn trả lương ngừng việc: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất: Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 03 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.