CẬP NHẬT QUY ĐỊNH THÁNG 4-2024

CẬP NHẬT QUY ĐỊNH THÁNG 4-2024

 

1. Công văn 92132/ CT-TTHT của Cục Thuế TP Hà Nội

Nội dung chính của công văn về chính sách thuế đối với hoạt động xoá nợ vay (gốc và lãi) của tổ chức nước ngoài.

Trường hợp công ty Jana ký kết hợp đồng vay tiền của tổ chức nước ngoài (không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không đáp ứng được 1 trong các điều kiện nêu tại điều 8 thông tư 103/2014/TT-BTC) nay tổ chức có kế hoạch xoá khoản nợ vay (gốc và lãi) cho Công ty Jana thì:

- Đối với khoản lãi tiền vay, do không phát sinh thanh toán tiền cho tổ chức nước ngoài nên Công ty Jana không phải kê khai, nộp thay thuế nhà thầu cho tổ chức nước ngoài

- Đối với khoản nợ vay (gốc và lãi) của Công ty Jana được xoá, Công ty Jana phải hạch toán thu nhập khác để xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định.

 

2. Công văn 1848/CTCTH-TTHT của Cục Thuế Thành phố Cần Thơ

Nội dung chính của công văn xử lý chênh lệch tỷ giá gốc ngoại tệ.

Trường hợp trong kỳ quyết toán niên độ tài chính năm 2022, Công ty có phát sinh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm đối với các khoản mục tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ nhưng chưa được ghi nhận vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế năm 2022 do chưa thực hiện thì khoản lỗ chênh lệch tỷ giá này không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của kỳ tính thuế năm 2022.

Về nguyên tắc đến kỳ quyết toán thuế TNDN năm 2023, các khoản mục tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ được đánh giá lại ở cuối năm 2022 (năm trước) nếu đã được thực hiện thì khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đã ghi nhận vào chỉ tiêu B7 của tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2022 thì được ghi vào chỉ tiêu B12 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2023. Việc xác định số tiền cụ thể để ghi vào chỉ tiêu B12 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2023, do Công ty tự xác định theo quy định của chính sách liên quan về xác định chênh lệch tỷ giá hối đoái hiện hành và phụ thuộc vào các khoản mục tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ được đánh giá lại ở cuối năm 2022 đã được thực hiện hoàn toàn hay chưa thực hiện hoàn toàn.

Công văn này thay thế cho công văn số 1290/CTCTH-TTHT ngày 14/3/2024 của Cục Thuế TP. Cần Thơ.

 

3. Công văn 9524/CTBDU-TTHT của Cục Thuế tỉnh Bình Dương

Nội dung chính của công văn về việc thuế nhà thầu nước ngoài.

Trường hợp Nhà thầu nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với Công ty tại Việt Nam thì thuộc đối tượng áp dụng thuế nhà thầu theo Thông tư số 103/2014/TT-BTC.

+ Thuế GTGT: Áp dụng tỷ lệ (%) để tính thuế GTGT trên doanh thu là 2%.

+ Thuế TNDN: Áp dụng tỷ lệ (%) để tính thuế TNDN trên doanh thu là 1%.

Khi thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài, Công ty có nghĩa vụ tính, khấu trừ và kê khai thuế GTGT và thuế TNDN để nộp vào Ngân sách Nhà nước.

 

4. Công văn số 3997/TCT-CS của Tổng Cục Thuế

Nội dung chính của công văn về chính sách thuế nhà thầu liên quan đến hoạt động bán hàng tại kho ngoại quan.

Về nguyên tắc trường hợp công ty nước ngoài sử dụng kho ngoại quan làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công thì không thuộc đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam; Trường hợp công ty nước ngoài giao gia công cho doanh nghiệp trong khu chế xuất để sản xuất hàng hóa, sau đó đưa hàng hóa vào kho ngoại quan để bán cho các khách hàng ở nước ngoài, hàng hóa được chuyển giao quyền sở hữu tại kho ngoại quan trước khi xuất khẩu ra nước ngoài thì công ty nước ngoài thuộc đối tượng nộp thuế TNDN tại Việt Nam.

 

5. Công văn 19090/CTHN-TTHT của Cục Thuế Thành phố Hà Nội

Nội dung chính của công văn về việc thời điểm xuất hóa đơn đối với dịch vụ tiếp thị liên kết.

Về áp dụng thời điểm xuất hóa đơn:

Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin thuộc trường hợp quy định tại điểm a hoặc b Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo quy định tại điểm a hoặc b Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, lần lượt như sau:

a) Đối với các trường hợp cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng, dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại điểm b) được bán theo kỳ nhất định thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua.

b) Đối với dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng), dịch vụ công nghệ thông tin (bao gồm dịch vụ trung gian thanh toán sử dụng trên nền tảng viễn thông, công nghệ thông tin) phải thực hiện đối soát dữ liệu kết nối giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối.

 

6. Công văn 5294/CTLAN-TTHT Cục Thuế tỉnh Long An

Nội dung chính của công văn chính sách thuế về giao dịch liên kết vay vốn ngân hàng

Công ty có phát sinh khoản vốn vay từ ngân hàng ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay thì được xác định là có quan hệ liên kết với ngân hàng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Khi đó giao dịch phát sinh giữa Công ty và bên ngân hàng theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là giao dịch liên kết.

 

7. Công văn 1018/CTKHH-TTHT của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa

Nội dung chính của công văn về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp Công ty có hoạt động nuôi trồng thủy sản (nuôi cá) ở Khu Kinh tế Vân Phong, vì các nguyên nhân dịch bệnh, bất khả kháng, hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên dẫn đến tổn thất không được bồi thường thì các khoản chi phí và hồ sơ, thủ tục liên quan để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định tại khoản 2.1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính).

Trường hợp Công ty xác định việc tiêu thụ cá chết là bán phế liệu, phế phẩm thu hồi thì khoản thu nhập từ việc bán phế liệu, phế phẩm được hưởng ưu đãi thuế TNDN như ưu đãi thuế TNDN của hoạt động nuôi trồng thủy sản Công ty đang áp dụng theo quy định pháp luật.

 

8. Công văn 1931/CTQNI-TTHT Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh

Nội dung chính của công văn về thuế thu nhập cá nhân đối với hàng biếu tặng.

Trường hợp người lao động nhận những khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả dưới mọi hình thức, thì khoản thu nhập này được tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công và chịu thuế TNCN theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Trường hợp người lao động nhận được thu nhập là quà tặng và không thuộc danh mục quà tặng quy định tại khoản 10, điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì khoản thu nhập từ nhận quà tặng không phải chịu thuế TNCN từ quà tặng.