Quy định xuất hóa đơn cho trường hợp tiêu dùng nội bộ
Quy định xuất hóa đơn cho trường hợp tiêu dùng nội bộ
Theo khoản 1, điều 4, nghị định 132/2020/ND-CP ban hành ngày 19/10/2020 , có hiệu lực từ 01/07/2022 như sau:
“Điều 4: Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
- Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”
Căn cứ theo quy định trên thì từ 01/07/2022 khi xuất tiêu dùng nội bộ thì công ty bắt buộc phải xuất hóa đơn đầu ra (giống như thời điểm trước năm 2015), còn luân chuyển nội bộ để tiếp tục sản xuất thì không xuất hóa đơn.
Việc xuất hóa đơn này là thủ tục bắt buộc, doanh nghiệp không phải ghi nhận doanh thu bán ra cho các hóa đơn tiêu dùng nội bộ này, không tính thuế GTGT đầu ra, phần thuế suất và thuế GTGT trên hóa đơn gạch chéo.
Phân biệt tiêu dùng nội bộ và luân chuyển nội bộ như sau:
- Tiêu dùng nội bộ: là hoạt động xuất hàng hóa, dịch vụ, thành phẩm,… để sử dụng nội bộ cho doanh nghiệp và kết thúc luôn quá trình gia tăng giá trị ở khâu thương mại. Ví dụ:
+ Công ty bán Điều hòa, xuất Điều hòa lắp cho các phòng ban.
+ Công ty sản xuất quạt điện, xuất quạt điện cho các phòng ban
- Luân chuyển nội bộ: là hoạt động xuất hàng hóa, dịch vụ, thành phẩm,… để tiếp tục sản xuất ra sản phẩm khác của Doanh nghiệp. Ví dụ:
+ Xuất nguyên vật liệu để sản xuất ra thành phẩm nhập kho
+ Xuất nguyên liệu, hàng hóa đi gia công
+ Xuất bán (nửa) thành phẩm để tiếp tục các bước sản xuất tiếp theo…