CẬP NHẬT QUY ĐỊNH THÁNG 05.2024

CẬP NHẬT QUY ĐỊNH THÁNG 05.2024

1. Công văn 23295/CTHN-TTHT của Cục Thuế TP. Hà Nội

 

Nội dung của công văn về chính sách thuế hoạt động tài trợ, quảng cáo với đối tác nước ngoài.

 

Trường hợp Công ty có phát sinh hoạt động xuất khẩu hàng hóa (quả bóng đá) ra nước ngoài không thu tiền để phục vụ hoạt động quảng bá cho sản phẩm của mình ở nước ngoài thì khi xuất khẩu hàng hóa Công ty phải lập hóa đơn GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

 

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định tại tiết a khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì không được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.

 

Các khoản chi đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC và không thuộc các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam thuộc đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 103/2014/TT-BTC.

 

2. Công văn số 1454/TCT-CS của Tổng Cục Thuế

 

Nội dung chính của công văn về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Trường hợp doanh nghiệp chế xuất mua hàng hóa từ các doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa không làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp nội địa xuất hóa đơn bán ra cho doanh nghiệp chế xuất với thuế suất thuế giá trị gia tăng là 8% hoặc 10% thì:

 

Đối với trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 50 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính: nếu khoản chi không đáp ứng điều kiện là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và không có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Đối với trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hải quan hoặc thuộc diện không phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 50 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính: nếu khoản chi đáp ứng điều kiện là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và có đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản giá trị hàng hóa, dịch vụ.

 

3. Công văn 2130/CTKHH-TTHT của Cục Thuế tỉnh Khánh Hoà

 

Nội dung chính của công văn về việc khai quyết toán thuế trường hợp tách doanh nghiệp

 

Trường hợp Công ty có hai thời điểm có quyết định tách Công ty thì Công ty phải thực hiện quyết toán thuế TNDN với cơ quan thuế đến thời điểm có quyết định tách Công ty theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 7 Thông tư số 96/2015/TT-BTC); Công ty phải thực hiện quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế theo năm dương lịch được quy định tại Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nêu trên.

 

Về xác định chuyển lỗ theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 7 Thông tư số 96/2015/TT-BTC) của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch hoặc năm tài chính (theo đăng ký về kỳ tính thuế), đảm bảo nguyên tắc chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

 

Về xác định chuyển phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch hoặc năm tài chính (theo đăng ký về kỳ tính thuế). Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.

 

Công ty thực hiện khai thuế theo đúng quy định pháp luật, sử dụng các mẫu biểu phụ lục kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính trên phần mềm HTKK, không kê khai đối với số lỗ đã quá thời gian chuyển lỗ theo quy định pháp luật.

 

4. Công văn 13055/CTBDU-TTHT của Cục Thuế tỉnh Bình Dương

 

Nội dung chính của công văn về việc chính sách thuế khi thực hiện sáp nhập doanh nghiệp

 

Trường hợp Công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) thì bên bị sáp nhập phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp và có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ thuế với Ngân sách Nhà nước trước khi sáp nhập. Trường hợp bên bị sáp nhập chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế thì bên nhận sáp nhập được kế thừa toàn bộ quyền và trách nhiệm về thuế sau khi đã được thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế đến thời điểm chấm dứt hoạt động của bên bị sáp nhập (số thuế còn phải nộp, số thuế còn khấu trừ, số thuế nộp thừa). Căn cứ kết quả kiểm tra của cơ quan thuế của bên bị sáp nhập, hai bên lập văn bản bàn giao quyền và nghĩa vụ thuế cho bên nhận sáp nhập để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước theo quy định.

 

Trường hợp bên nhận sáp nhập kế thừa số thuế nộp thừa của bên bị sáp nhập thì được xử lý theo quy định tại Điều 25 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/09/2021 của Bộ Tài chính.

 

5. Công văn 3659/CTDON-TTHT của Cục Thuế Đồng Nai

 

Nội dung chính của công văn cảnh báo những dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp “ma”.

 

- Nhận biết qua loại hình kinh doanh: Hình thức doanh nghiệp được các đối tượng thực hiện tội phạm mua bán hóa đơn thông qua việc thành lập doanh nghiệp như: Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân.

 

- Nhận biết qua đăng ký ngành nghề kinh doanh: Các “doanh nghiệp ma” thường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến nhất là dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại, hoặc những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định hay phải được cấp chứng chỉ nghề nghiệp (bất động sản, du lịch...). Qua đó các đối tượng này cho rằng có thể vượt qua sự kiểm tra của cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan thuế.

 

- Nhận biết qua trụ sở giao dịch và thời gian hoạt động kinh doanh: Các “doanh nghiệp ma” thường đăng ký địa chỉ giao dịch tại các trung tâm, văn phòng ảo hoặc những địa chỉ thậm chí không tồn tại nhằm dễ dàng trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan thẩm quyền và bỏ trốn ngay khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, chúng có thể thành lập ở các khu vực có điều kiện dân trí không cao, thuê trụ sở trong thời gian ngắn và đặt tại những con hẻm sâu. Thời gian hoạt động của một doanh nghiệp thường khá ngắn.

 

- Nhận biết qua phương thức thanh toán: Các “công ty ma” thường thực hiện các hoạt động trái pháp luật, do đó sẽ tránh sử dụng tài khoản ngân hàng của công ty, thực hiện giao dịch bằng tài khoản ngân hàng do cá nhân đứng tên hoặc tiền mặt hoặc chuyển khoản “lòng vòng” qua nhiều bên trung gian nhằm né các giao dịch, giấu nhẹm việc mua bán hóa đơn.

 

6. Công văn 1624/CTVLO-TTHT của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long

 

Nội dung chính của công văn về lập chứng từ thu tiền đối với khoản thu hỗ trợ từ Công ty mẹ.

 

Trường hợp Công ty nhận tiền hỗ trợ từ Công ty mẹ thì khoản thu này không thuộc trường hợp lập hóa đơn GTGT theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Khi nhận khoản tiền hỗ trợ từ Công ty mẹ thì Công ty lập chứng từ thu theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC.

 

7. Công văn 4205/CTDAN-TTHT của Cục Thuế Thành phố Đà Nẵng

 

Nội dung chính của công văn về thời điểm lập hóa đơn.

 

Trường hợp người mua tại Nhật Bản trực tiếp ký hợp đồng mua hàng hóa của nhà cung cấp tại Việt Nam chỉ định xuất hàng cho Công ty để Công ty thực hiện gia công theo hình thức xuất khẩu tại chỗ thì trên hóa đơn GTGT của nhà cung cấp tại Việt Nam thể hiện tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng (Công ty) và địa điểm giao tại Việt Nam theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 17 Thông tư số 219/2013/TT-BTC. Trường hợp người mua tại Nhật Bản không có mã số thuế thì trên hóa đơn không phải thể hiện mã số thuế người mua theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

 

+ Họ và tên người mua hàng: ghi tên người mua phía nước ngoài;

 

+ Tên đơn vị mua hàng: ghi tên doanh nghiệp nhận hàng (Công ty);

 

+ Địa điểm giao hàng: địa điểm giao tại Việt Nam (theo Hợp đồng);

 

+ Mã số thuế: Để trống.

 

Về thời điểm lập hóa đơn GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu đối với cơ sở kinh doanh, kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) là sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.